Những năm gần đây, Nhà hát Múa rối Thăng Long liên tiếp cho ra mắt những tác phẩm mang tính đột phá, mới lạ đối với lịch sử ngành rối VN. Điều này không chỉ được ghi nhận bằng sự hưởng ứng của khán giả mà từ chính giải thưởng lớn đơn vị đã dạt được trong các kỳ liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp. Tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ 2 – 2010, chương trình múa rối nước của Nhà hát đã giành được HCV, Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ 3 – 2012, Nhà hát tiếp tục lại giành được HCV.
Muốn có phong cách phải bắt nguồn từ sáng tạo mới
Khi bắt tay vào dựng một chương trình chúng tôi luôn đặt yếu tố đầu tiên là phải mới lạ, khác với các chương trình đã có. Một trong những yếu tố tạo nên phong cách cho các chương trình của rối Thăng Long đó chính là luôn tìm được những hình thức mới ở từng chương trình. Có những người cho rằng rối nước thì phải là những nhân vật gắn với sông nước nhưng đến với rối Thăng Long, họ sẽ gặp cả những cảnh đánh đu, cảnh quay tơ dệt vải, đua ngựa, những cô gái quan họ, những vũ nữ Chăm… Nếu đã nắm vững truyền thống rồi thì dẫu có đổi mới thế nào thì cũng không lo bị chệch hướng. Từ việc mở rộng đề tài, tạo hình con rối hoàn toàn mới cho tới mạnh dạn mở rộng cả không gian biểu diễn rối nước. Sân khấu rối nước mở ra cho chúng tôi những tiềm năng sáng tạo rất lớn, như một mảnh đất màu mỡ mà ta có quyền khai phá. Sự trở lại của khán giả trong nước đối với các chương trình múa rối nước mới của Nhà hát đã cho chúng tôi thêm tự tin vào sự sáng tạo của mình là múa rối không chỉ phục vụ đối tượng khán giả quốc tế. Khán giả ở các địa phương, các vùng miền về xem rối nước của chúng tôi họ vô cùng bất ngờ khi thấy những nét văn hóa của vùng miền nơi họ đang sống cũng được tái hiện lên sân khấu rối nước.
Bên cạnh sự thành công của rối nước thì Nhà hát vẫn chưa phát triển được rối cạn, chúng tôi gặp khó khăn khi không có rạp tập luyện. Mỗi lần có chương trình rối cạn đi dự thi các kỳ liên hoan hoặc vào các dịp phục vụ thiếu nhi, chúng tôi cũng phải bỏ tiền đi thuê mỗi buổi tập tới 8 triệu đồng. Chúng tôi mong muốn sẽ có một địa điểm biểu diễn rối cạn thường xuyên để phục vụ đối tượng khán giả thiếu nhi. Sau mỗi lần tham dự liên hoan, các chương trình rối cạn của Nhà hát được đánh giá cao với nhiều hình thức thể hiện phong phú, tiếc là các buổi diễn quảng bá phục vụ cho khán giả lại quá ít ỏi. (Đạo diễn Nguyễn Hoàng Tuấn – Giám đốc)
Muốn làm hay phải có một ê kíp sáng tạo nắm chắc truyền thống
Múa rối khác với các loại hình nghệ thuật khác, đòi hỏi sự đồng bộ giữa các thành phần sáng tạo từ tác giả, đạo diễn, tạo hình, âm nhạc, múa… Kinh nghiệm ở nhà hát chúng tôi đó là trước khi xây dựng một chương trình mới, khâu đầu tiên là nhóm tác giả gồm tác giả, đạo diễn cùng họp lại với nhau để tìm ra định hướng của chương trình. Xác định đối tượng của chương trình là ai? Chương trình nào làm để phục vụ khách quốc tế? Chương trình nào phục vụ cho các cháu thiếu nhi? Sau đó là mường tượng ra hình thức thể hiện như thế nào. Đạo diễn và tác giả phải phối hợp với nhau từ đầu cho tới khi kết thúc dàn dựng, ngay từ chưa khi viết kịch bản dã phải ngồi bàn bạc để cùng xây dựng ý tưởng. Sự ăn ý giữa tôi và đạo diễn Hoàng Tuấn trong đồng sáng tạo đã giúp chúng tôi thành công ở nhiều chương trình: Thánh Gióng, Những con thú đáng yêu, Hiphop, Nàng Hến, Câu chuyện tình người, Huyền thoại tiên rồng. Đặc biệt là hai chương trình rối nước năm 2010 và 2012 là những tác phẩm mà chúng tôi hài lòng nhất. Sự giúp sức của họa sĩ tạo hình Chu Lượng trong tạo hình các con rối nước đã giúp cho nghệ thuật rối nước phát triển, múa rối nước đã đưa được những sinh hoạt văn hóa và lễ hội truyền thống của VN và những sinh hoạt lao động thường ngày lên sân khấu của mình. Đặc biệt, Linh thiêng hai tiếng đồng bào đã khoe với bạn bè quốc tế không chỉ những nét đặc sắc của nghệ thuật rối nước mà bằng sự mô phỏng, rối nước đã chuyển tải được những nét đặc sắc của các loại hình nghệ thuật và di sản văn hóa của VN vào ngôn ngữ của mình như: Nhã nhạc, văn hóa cồng chiêng… (Tác giả Nguyễn Đăng Tiến – Trưởng phòng Nghệ thuật)
Người nghệ sĩ rối phải làm được nhiều vai trò
Múa rối đang thiếu một lực lượng họa sĩ tạo hình con rối chuyên biệt. Số họa sĩ được đào tạo chuyên ngành rối ở nước ngoài hiện nay đều đã cao tuổi. Trong khi đó muốn tạo nên hồn cốt cho con rối thì lại rất cần những họa sĩ am hiểu thực sự bộ môn nghệ thuật này. Tôi vốn là một họa sĩ vẽ tranh cổ động quảng cáo tuyên truyền nhưng vì lòng yêu nghề, muốn phát triển nghệ thuật múa rối nên bản thân tôi phải tự mày mò, học hỏi. Các họa sĩ tạo hình con rối ở các nhà hát múa rối hiện này đều là không chuyên. Chúng tôi đã kiến nghị cần phải có chuyên ngành đào tạo họa sĩ tạo hình rối riêng, nhưng vẫn chưa được đáp ứng. Khâu đào tạo diễn viên múa rối của ta vẫn chưa thật sự đúng chuẩn, các diễn viên ra trường mới chỉ là những thợ diễn. Họ cần phải được học cách tạo hình, biết làm những cái cơ bản nhất. Nghệ sĩ rối quốc tế rất độc lập, họ có thể tự viết kịch bản, tự dàn dựng, tạo hình và biểu diễn. Diễn viên mới ra trường về nhà hát, chúng tôi phải đào tạo lại, giúp họ am hiểu mọi loại hình nghệ thuật khác không chỉ đơn thuần là múa rối. Nhiều khi diễn viên múa rối nước nhưng lại phải lên cạn tập động tác người trước khi xuống nước. (Họa sĩ tạo hình Chu Lượng – Phó giám đốc phụ trách nghệ thuật)
Sự kết hợp giữa nghệ thuật và du lịch cần đồng bộ
Vì sao những năm qua Nhà hát luôn vững vàng và kiên định với định hướng nghệ thuật, ăn nên làm ra, thu hút được khán giả tới với mình? Câu trả lời thật đơn giản, đó là ban giám đốc và tập thể cán bộ, nghệ sĩ của nhà hát luôn có sự nhất trí cao trong mọi chủ trương và phương án hoạt động. Mặc dù đời sống người nghệ sĩ sân khấu nói chung đang gặp vô vàn những khó khăn, đòi hỏi cần có một chế độ đãi ngộ ưu đãi thỏa đáng hơn nhưng trong khó khăn ấy, chúng tôi luôn tự hào là diễn viên nhà hát luôn sống được bằng nghề. Việc duy trì liên tục đỏ đèn cả 365 ngày trong năm, có những ngày diễn 4 – 5 suất đã giúp chúng tôi cải thiện được đời sống cho anh chị em cán bộ, nghệ sĩ. Làm công tác tổ chức biểu diễn, chúng tôi cũng có những điều trăn trở. Đó là làm sao có được sự phối hợp ăn ý hơn giữa nghệ thuật múa rối với ngành du lịch. Hiện nay, việc tổ chức các tour du lịch đến với nghệ thuật múa rối vẫn là bài toán cần tháo gỡ. Chúng tôi nhận được nhiều hợp đồng biểu diễn phục vụ khách quốc tế nhưng có cảm giác là các nhà tổ chức tour du lịch vẫn chỉ coi múa rối là một điểm dừng chân cuối cùng, khi mà khách của họ đã mệt mỏi vì đã đi quá nhiều điểm khác nên khả năng tiếp nhận nghệ thuật chưa cao. Chúng tôi rất mong rằng, các loại hình sân khấu truyền thống, trong đó có múa rối cần được trở thành một trong những địa điểm cần tới đối với các tour du lịch. Sự phối hợp giữa ngành văn hóa và du lịch cần phải có sự đồng bộ hơn, tìm ra những món ăn thích hợp cũng như khoảng thời gian biểu diễn thích hợp để khách quốc tế được phục vụ một cách chuyên nghiệp hơn. Chúng tôi đều mong ước có cơ sở hai để có thể tập luyện và diễn rối cạn. Múa rối nước đã có thương hiệu rồi, việc phát triển sáng tạo rối cạn cũng vô cùng quan trọng, đáp ứng cho các cháu thiếu nhi cũng là một yêu cầu cấp thiết. (Chu Đắc Được – Phó giám đốc)
Thúy Hiền