NHÀ HÁT MÚA RỐI THĂNG LONG
ĐỊNH HƯỚNG – THỰC CHẤT – HIỆU QUẢ
Đất nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập Quốc tế, Nhà hát múa rối Thăng Long là một trong những đơn vị nghệ thuật của Thủ Đô, đã và đang từng bước thực hiện tiến trình phát triển của thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, “yêu cầu về đổi mới mô hình quản lý, yêu cầu về hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ mới, tốt hơn trong thời đại số”.
Tự động hóa dịch vụ hội nhập với xu hướng hiện đại là trọng điểm nằm trong kế hoạch phát triển của ban lãnh đạo Nhà hát. Thực hiện kế hoạch điện tử hóa các dịch vụ công theo chủ trương của thành phố Hà Nội, Nhà hát triển khai hệ thống bán vé điện tử, đào tạo đội ngũ nhân viên tiếp cận công nghệ mới và đã lắp đặt hai máy bán vé tự động ngay cạnh quầy bán vé truyền thống. Bên cạnh đó, Nhà hát đã mở dịch vụ bán vé online giúp việc đặt chỗ xem biểu diễn của khách rất thuận tiện và nhanh chóng. Khách hàng không phải mất thời gian di chuyển tới Nhà hát vẫn đảm bảo có được tấm vé ưng ý bằng điện thoại hoặc máy tính của mình. Với hệ thống bán vé tự động, bán vé online, người mua có thể tự chọn ngày, giờ biểu diễn cũng như chọn hàng ghế theo ý thích, sau đó thanh toán trực tiếp bằng thẻ VISA hoặc Mastercard. Thông tin đặt vé được cập nhật liên tục 24h giúp khách hàng đặt chỗ phù hợp chính xác và kịp thời, chỉ cần truy cập vào
Website: thanglongwaterpuppet.com
Fanpage: Nhà hát múa rối Thăng Long
Tel: 024 38249494 – 024 38255450
Mặc dù mới đi vào sử dụng trong thời gian gần đây nhưng hệ thống đã cho thấy tính hiệu quả, không chỉ giúp khách hàng thuận tiện khi mua vé, mà còn khẳng định vị thế của Nhà hát ở một tầm cao mới – Nhà hát nghệ thuật đầu tiên trong cả nước triển khai bán vé điện tử. Hiện đã có nhiều du khách thực hiện mua vé điện tử thay vì hình thức mua truyền thống trước kia.
Khách hàng sử dụng máy bán vé tự động
Thương hiệu Múa rối Thăng Long nổi danh với thương hiệu “Nhà hát duy nhất ở Châu Á biểu diễn 365 ngày trong năm” đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả trong và ngoài nước. Từ lâu, Nhà hát đã tạo dựng được tiếng vang đưa thương hiệu múa rối nước truyền thống của dân tộc ra khắp năm châu bốn bể, sánh ngang với các loại hình nghệ thuật khác trên thế giới. Khách đến Nhà hát ngày càng đông hơn, các suất diễn của Nhà hát luôn trong tình trạng cháy vé, biến địa chỉ 57B Đinh Tiên Hoàng, trở thành một trong những điểm du lịch thú vị nhất mà bất cứ du khách nào tới Thủ đô đều muốn ghé thăm.
Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống là điều mà các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, diễn viên, nhân viên Nhà hát luôn coi là sứ mệnh và quyết tâm thực hiện tốt . Bên cạnh chương trình múa rối nước truyền thống, trong những năm gần đây, Nhà hát đã luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo nghệ thuật, lấy cái cốt văn hóa cổ làm nền tảng để từ đó kết hợp với nhiều loại hình nghệ thật, ngôn ngữ nghệ thuật, yếu tố nghệ thuật mới, nâng tầm các sản phẩm trình diễn, vừa mang nét dung dị, thuần phác cổ xưa, vừa mang hơi thở hiện đại của cuộc sống hội nhập hôm nay.
Nhiều chương trình nghệ thuật được ra mắt khán giả trong thời gian gần đây đã minh chứng sự sáng tạo rất đa dạng mới, lạ trong phong cách nghệ thuật của Nhà hát, kết hợp hài hòa giữa loại hình rối cạn và rối nước cùng hiệu ứng âm thanh, áng sáng… rất hiệu quả. Trong thời gian vừa qua Nhà hát liên tiếp cho ra mắt một loạt những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và hấp dẫn. Trong Liên hoan múa rối Quốc tế lần thứ IV – 2015, tiết mục “Bay lên từ mặt nước” đã gây xôn xao dư luận bởi sự độc đáo và khác lạ. Trò rối “Đấu bò tót” của Tây Ban Nha, ballet “Hồ Thiên Nga”,… những sáng tạo đã vượt lên trên “khuôn khổ” truyền thống của nghệ thuật rối nước. Các động tác ballet uyển chuyển, khi thực hiện bằng hình thức rối nước gặp rất nhiều khó khăn bởi những cử động hạn chế của con rối truyền thống. Bằng sự sáng tạo, người nghệ sỹ đã nâng cấp bộ máy, biến con rối khô khan trở nên mềm mại, nhẹ nhàng lướt trên sóng nước, kết hợp với hiệu ứng ánh sáng, khói mờ và nhạc nước đã tạo ra một không gian mơ mộng, huyền ảo. Gần đây nhất vở “Hồn Trương ba da hàng thịt” – Liên hoan sân khấu thể nghiệm – 2016, vở “Công chúa tóc mây” – Liên hoan múa rối Quốc tế lần thứ V – 2018, là những sáng tạo hết sức mới lạ đã góp phần làm phong phú hơn dàn kịch mục và cho thấy sự phát triển ngày càng vững vàng của Nhà hát trong giai đoạn mới.
Tiết mục “Hồ Thiên Nga”
Đổi mới là yếu tố quan trọng, là chiến lược và là kế hoạch cụ thể cho từng bước đi mà Nhà hát phải thực hiện. Thấm nhuần chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc “tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Lãnh đạo Nhà hát đã triển khai rà soát lại các khâu và phương hướng cụ thể cho từng bộ phận. Đề ra chương trình và tiến hành đồng bộ mọi phương diện, đề xuất xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị.
Phát triển là yếu tố quan trọng, song việc bảo tồn và gìn giữ phát huy giá trị nghệ thuật cũng được quan tâm sát sao. Nhà hát đã triển khai dàn dựng những chương trình mang tính truyền thống với nhiều hình thức, thể loại nghệ thuật. Để đồng hành trên con đường hội nhập, Nhà hát đề ra chương trình hoạt động thường xuyên, hình thành những nét văn hóa cốt lõi thuần khiết, lưu giữ và phát triển tinh hoa nghệ thuật truyền thống. Đồng bộ hóa toàn bộ các khâu liên quan đến tiến trình phát triển, việc đầu tiên là xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật có chất lượng và thực tế. Thời gian qua Nhà hát đã trình làng một số vở diễn (rối nước và rối cạn), vừa bảo đảm chất lượng nghệ thuật để tham dự các kỳ liên hoan nhưng vẫn có thể công diễn cho khán giả ngay tại sân khấu rối nước của mình. Nghệ thuật Múa rối không chỉ là rối nước hay rối cạn, không chỉ là những trò diễn đơn giản, thuần túy mà giờ đây nó còn thể hiện sinh động, hấp dẫn những tư tưởng, triết lý về con người và xã hội.
Thực tế đã minh chứng, cuối năm 2017, Nhà hát thực hiện “Chương trình múa rối tạp kĩ chào đón giáng sinh và mừng năm mới” đã lập nên kỷ lục mới. Ban đầu, Nhà hát chỉ định diễn từ 4 đến 6 buổi, nhưng sau do nhu cầu lớn, Nhà hát tăng lên 30 buổi diễn, các suất diễn đều trong tình trạng cháy vé – điều mà trước kia những vở rối cạn chưa từng làm được. Phát huy thành quả đạt được Nhà hát liên tục lập ra những kế hoạch dài hơi, cho ra mắt một loạt series chương trình nghệ thuật mới nhân các ngày lễ lớn như Quốc tế thiếu nhi 1/6, Rằm trung thu, Lễ Giáng Sinh và năm mới… Các series này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ không chỉ của khán giả nhỏ tuổi mà còn của các bậc phụ huynh, biến những sản phẩm chất lượng này trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của các gia đình trong các dịp lễ tết.
Chương trình “Thế giới của chúng em 2” nhân dịp Tết Thiếu nhi
Ngót nửa thế kỷ, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã tạo dựng được tên tuổi trên toàn cầu. Đây là lúc mà toàn thể ban lãnh đạo, cán bộ, diễn viên Nhà hát cần phải đổi mới tư duy, đưa ra phương sách hợp lý, dung hòa và phối hợp chặt chẽ giữa sáng tạo nghệ thuật và công tác quản lý. Đồng bộ hóa toàn bộ các khâu liên quan đến tiến trình phát triển, ngoài việc chú trọng đến chất lượng nghệ thuật, Nhà hát đã nâng cao chất lượng dịch vụ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng song song với chú trọng đào tạo đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp.
Hiện tại, có thể khẳng định rằng, Nhà hát múa rối Thăng Long đang có những bước đi đúng hướng, những thay đổi phù hợp với tình hình xã hội. Đồng bộ hóa ắt hẳn sẽ mang đến phong cách mới, diện mạo mới cho Nhà hát. Bước sang năm 2019, hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập, với nhiều nhiệm vụ mới, mục tiêu mới, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã vạch ra kế hoạch hành động và hướng đi cụ thể cho mình. Sự tương tác, ủng hộ và đồng hành của khán giả sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh cho sự phát triển ổn định, vững vàng của Nhà hát múa Rối Thăng Long hiện tại và mai sau.